Quy trình này áp dụng cho giống vải thiều chính vụ đã bước vào thời kỳ kinh doanh, áp dụng trong một năm tính từ thời điểm thu hoạch xong quả năm trước đến đợt thu hái quả năm sau, tương ứng từ 15/6 năm trước - 15/6 năm sau. Mốc thời gian dưới đây chỉ là tương đối do còn phụ thuộc thời tiết ấm - rét, khô - ẩm từng năm có thể tăng giảm 5-10 ngày, nồng độ các loại thuốc hoá học sử dụng cho cây vải áp dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn gói thuốc.
Lịch thực hiện ở các giai đoạn cụ thể như sau:
1. Giai đoạn ngay sau khi thu hoạch quả 15/6 - 30/6:
Lúc này vườn cây vừa thu hoạch xong, tán cây xơ xác, một số đầu cành không cho quả đã chớm bật lộc, trong tán mầm cành vượt chớm bật, khi đó cần thực hiện các biện pháp sau:
Tỉa bỏ những cành già cỗi, cành khuất, mầm cành vượt trong tán ngoài mong muốn. Cắt bấm phần ngọn những đầu tán lá (phần cuống hoa, cuống chùm quả còn sót lại) để tạo tán tròn đều, tạo điều kiện để mầm lộc thu mọc đồng thời cùng lúc.
2. Giai đoạn từ sau 30/6 - 15/7
Lúc này vườn cây vừa được cắt tỉa thông thoáng, khi đó cần bón phân thúc lộc hè và thu.
- Về cách bón: Cần đào 6-10 rạch mỗi rạch dài 0,5-1,0 m: rộng 20-30 cm, sâu 20-25 cm ở vị trí vành tán cây theo hình chiếu. Tiến hành rải phân hoá học xuống dưới, phân chuồng hoặc phân xanh lên trên rồi lấp đất đậy kín phân.
- Loại phân: bón phân ở thời điểm này để phục hồi và phát triển rễ, lá nên chủ yếu dùng loại phân giàu đạm và lân như: Urê, Supe lân, đồng thời cần bón thêm phân chuồng hoặc phân xanh. Ngoài ra có thể dùng phân NPK có hàm lượng đạm, lân cao như (NPK 16-16-8) và phân vi sinh để thay thế 1 phân đơn, một số chế phẩm bón lá như Vườn Sinh Thái…
- Về lượng bón: Tuỳ theo độ màu mỡ của đất, năng suất qủa vừa thu hoạch trước đó hoặc sức sinh trưởng của cây (thể hiện thông qua màu sắc bộ lá) để quyết định lượng bón, trung bình có thể áp dụng theo mức sau: Urê 0,3-0,5 kg + Supe lân 0,5-1 kg + phân chuồng 5-10 kg/10m2 tán lá.
3. Giai đoạn từ sau 15/7 - 31/10
Đây là giai đoạn phát triển bộ lá chuẩn bị cho vụ quả năm sau. Giai đoạn này, thông thường cứ 40 - 45 ngày thì cây vải trẻ khoẻ sẽ ra được một đợt lộc.
a) Trong thời kỳ 1/7 - 31/8 là lúc cây vải ra lộc hè
Đợt lộc hè 1 ra cuối tháng 6 đầu tháng 7, đợt này mầm lộc có ít lá, có chiều dài hạn chế, đợt lộc hè 2 ra trong tháng 8 có mầm lộc khá dài, mang nhiều lá. Trong giai đoạn này cần kiểm tra vườn phát hiện sâu đục thân, cành và sâu ăn lá, nếu có cần: Phun thuốc diệt sâu để bảo vệ bộ lá ở thời điểm lá non còn mầu đỏ hoặc phớt hồng. Tìm bắt sâu (nhậy) đang ở đục trong thân, cành cây vải. Bón bổ sung thêm urê, lân cho riêng những cây sinh trưởng yếu, màu sắc lá hơi vàng hoặc bật lộc muộn hơn các cây khác.
- Cách bón: Hoà loãng phân tưới vào trong tán cây sau khi trời mưa ẩm đất hoặc rắc phân rồi bơm nước để tan phân.
b) Ở thời kỳ từ 1/9 - 31/10
Đây là giai đoạn quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển hoa quả của cây vải. Để cây vải chính vụ có thể phát hoa đúng thời điểm, có chùm hoa lớn cho năng suất cao thì đợt lộc cuối cùng phải nhú trước 31/10, khi đó đợt lộc thu phải nhú trước 15/9. Cụ thể với từng lại cây:
* Với cây vải trẻ khoẻ: Nếu sau 15/9 cây mới chớm nhú lộc và có khả năng ra tiếp 1 đợt lộc nữa thì có thể bón thúc thêm phân để bộ lá sớm thành thục kịp ra đợt lộc cuối cùng trong tháng 10. Khi bón phân cần chú ý không được bón với lượng lớn, bón sâu mà chỉ nên hoà loãng phân đạm để tưới hoặc phun phân lên lá, sau đó bơm tưới nước cho những cây ở nơi cao, vườn khô.
* Với cây vải trung tuổi: sức sinh trưởng đã hạn chế hoặc cây trẻ nhưng phát triển kém nên có đợt lộc cuối cùng ra cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Khi đó có thể tưới urê loãng để bản lá được to rộng, lá dầy xanh đậm nhưng tránh bón sâu, bón quá nhiều đẫn đến ra cây lộc đông.
Ở giai đoạn này cần chú ý phòng trừ nhện lông nhung hại vải. Đối với những vườn, những cây đã có nhện lông nhung hại nặng trước đó thì sau khi cây nhú đợt lộc cuối thu phải phun trừ sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu như: pegasus 500ND, Ortus 3SC, Regent 800 WG…
4. Giai đoạn từ 1/11 - 25/12
Lúc này vườn vải có thể có nhiều dạng cây có sức sinh trưởng khác nhau
* Đối với cây vải khoẻ có bộ lá dầy xanh đậm biểu hiện sức sinh trưởng tốt, đã nhú đợt lộc cuối cùng trong năm vào tháng 10 thì không được tưới ẩm cho vườn vải, ngoài ra cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau:
- Tiến hành cuốc vỡ lật đất thành một vành tròn theo tán cây có độ rộng 50-70cm , sâu 10-15 cm để chặt đứt bớt 1 phần lớp rễ tơ đang hoạt động mạnh. Thời điểm cuốc khi lớp lá non của cây vải ra trong tháng 10 bắt đầu chuyển sang dạng lá bánh tẻ.
Đồng thời tuỳ theo sức sinh trưởng của cây để khoanh tiện từ 1-3 vòng tròn/cành (cây xanh đậm tốt lá tiện nhiều vòng và ngược lại). Vòng khoanh này cách vòng khoanh kia từ 1-2cm. Chú ý dùng dao sắc mỏng tiện vừa hết lớp vỏ, không được bóc bỏ vỏ để lộ phần lõi gỗ, vị trí tiện tại chỗ cành đạt đường kính từ 2-4cm (những cành bé hơn hoặc cằn cỗi thì không tiện thời điểm khoanh cành là ngay sau khi cuốc xong gốc).
* Đối với cây có sức sinh trưởng khoẻ nhưng phát lộc chậm (Đợt lộc thu ra vào cuối tháng 9) triển vọng còn ra tiếp 1 đợt lộc đông vào tháng 11 thì khi lớp lá ra trong tháng 9 chuyển từ mầu xanh non sang dạng lá bánh tẻ phải thực hiện ngay 3 biện pháp kỹ thuật nêu ở trên. Nhưng chú ý cần cuốc vành tán rộng và sâu hơn, tiện khoanh cành nhiều vòng hơn.
Ngoài ra có thể còn áp dụng thêm các biện pháp kỹ thuật sau:
+ Nếu sau 18/11 dương lịch cây mới chớm nhú lộc đông thì dùng thuốc diệt cỏ (Ron star) phun với nồng độ như trừ cỏ lúa diệt mầm lộc ngay.
+ Nếu còn thấy cây ra tiếp mầm lộc nào thì phải ngắt bỏ (bằng kéo hoặc tay bấm). Chú ý khi cắt lộc đông thì lên cắt sớm trước lúc lá lộc xoè ra, chỉ cắt 3/4 phần mầm non phía trên, để chừa lại 1 phần cuống phía dưới nơi tiếp giáp với phần cành đã ra kỳ trước.
* Đối với cây vải trung tuổi sức sinh trưởng hạn chế hoặc cây trẻ nhưng phát triển kém: những cây này không có khả năng ra lộc đông thì không áp dụng các biện pháp tiện cành hoặc ngắt lộc.
5. Giai đoạn từ 25/12 năm trước - 25/2 năm sau
Lúc này vườn vải ở thời kỳ phân hoá phát triển chùm hoa nhưng chưa đến thời điểm nở hoa đực. Năm nào có mùa đông lạnh và khô thì có nhiều thuận lợi cho việc phân hoá hoa để có thể cho nhiều hoa, nếu năm nào có mùa đông ấm và ẩm thì cây có ít hoa. Ở giai đoạn này cần chú ý : khi vườn vải có cây bắt đầu phát mầm hoa ở ngọn, lúc mầm hoa dài trên 5,0cm cần kiểm tra xem có lá kèm xuất hiện đồng thời với mầm nụ không. Nếu có phải kịp thời ngắt bỏ riêng lá kèm đó ngay.
Tiến hành bón phân thúc hoa: Lượng bón dùng 0,15 kg Urê + 0,5-1 kg lân + 0,1-0,2 kg kali để bón cho 10 m2 tán . Ngoài ra có thể dung phân NPK loại giầu lân ít đạm, ít kali như NPK(5-10-3) để bón.
Cách bón tốt nhất để cây sử dụng được phân ngay và có hiệu quả cao là bỏ riêng rẽ từng loại phân nêu trên thành từng điểm vào khe hở của dải đất xung quanh tán đã được cuốc lật đầu mùa đông, mỗi loại phân thả thành 3-5 điểm. Sau đó tiến hành hoạt động bơm nước xả trực tiếp vào đó cho phân tan và ngấm xuống phần rễ đang hoạt động bên dưới. Nếu trong điều kiện không có nước tưới thì rải đều phân lên bề mặt vành tán phía trong sau đó phủ kín bằng một lớp đất.
Sau khi bón cần tưới nước từ 2-3 lần theo cách trên, nhưng không nên phun ướt cả bề mặt của tán cây gây lãng phí nước, hiệu quả không cao.
Khi vườn vải đã phát triển chùm hoa tương đối hoàn chỉnh sẽ thường xuất hiện nhiều loại sâu tơ, sâu xanh, sâu đo ăn nụ hoa. Vì vậy, cần kịp thời diệt trừ sớm bằng các loại thuốc trừ sâu thông thường: Padan 95SP; Sherpa 25EC; Dipterex…
6. Giai đoạn từ 25/2 - 25/3
Đây là thời kỳ cây vải nở hoa, chú ý thời điểm ngay trước và trong khi hoa vải nở không được bón phân giàu chất đạm, hoặc phân bón lá sẽ làm rụng hoa và quả non. Giai đoạn này thời tiết có vai trò rất quan trọng quyết định tỷ lệ đậu quả và năng suất vải. Ở giai đoạn vải nở hoa cái, nếu thời tiết ít mưa phùn, không quá lạnh và ẩm ướt, có những ngày nắng nhẹ hoặc khô hanh xen kẽ thì rất thuận lợi cho vải nở hoa và đậu quả. Khi đó không cần sử dụng các loại thuốc đậu quả mà vườn vải vẫn có tỷ lệ đậu quả cao. Ngược lại nếu thời tiết có nhiều bất thuận như có mưa phùn kéo dài, nhiệt độ thấp dưới 18oC vào đúng thời kỳ vải nở hoa cái rộ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng đậu quả của cây vải. Để chủ động hạn chế tác động xấu của thời tiết, nhà vườn cần áp dụng các biện pháp sau:
- Phun phòng nấm bệnh sương mai, thán thư hại vải khi thấy cây bắt đầu nở hoa đực bằng thuốc Ridomil 72 WP; Benlate 50WP…Trong những ngày mưa mà vải đang nở hoa cái rộ nên dùng nilon trắng trong có đủ độ rộng quây thành vòm che kín tán cây tránh mưa và gió lạnh.
- Vào cuối tháng 3 sau khi vải nở hoa cái khoảng 15 ngày lúc này thường xuất hiện một lứa sâu mới ăn quả non và gặm cuống quả. Do đó phải tiến hành phun diệt kịp thời bằng các loại thuốc trừ sâu thông thường. Chú ý trước khi phun nên đi rung nhẹ cho nhị hoa đã khô đang bám trên chùm quả rụng bớt.
7. Giai đoạn từ 25/3 - 25/5
Đây là thời kỳ cây vải tập chung dinh dưỡng nuôi quả, nếu cây vải được chăm sóc bón phân tưới nước đầy đủ và đúng cách sẽ cho quả to, mẫu mã đẹp, giá trị được nâng lên rõ rệt. Các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng như sau:
* Sau khi vải đậu quả được 10 - 15 ngày cần bón bổ sung phân đạm và Kali để quả vải có vỏ dày sau này quả lớn ít bị nứt và duy trì mầu sắc lá khoẻ đảm bảo nuôi quả tốt. Lượng bón: dùng 0,1-0,2 kg urê bón cho 10 m2 tán. Cách bón rắc đều urê vào trong tán cây sau đó bơm nước đẫm cho tan phân và đủ ngấm ẩm. Sau khi bón phân đạm bổ sung khoảng 5 ngày cần bơm thêm 1 đợt nước. Ngoài ra có thể dùng các loại phân giàu đạm như: phân gia cầm, phân chuồng, phân NPK… để bón thêm hoặc thay thế. Chú ý lượng phân bón lúc này nhiều ít tuỳ thuộc vào độ sai quả của từng cây để sử dụng cho phù hợp. Đối với những loại phân này cần rải lên bề mặt phía trong tán cây rồi phủ kín bằng một lớp đất mỏng.
* Sau khi bón đạm từ 15-20 ngày (khoảng từ mùng 1 – 10/4) lúc này quả vải to bằng hạt lạc thì tiến hành bón kali nuôi quả lần 1, sau lần 1 khoảng 15-20 ngày thì bón kali nuôi quả lần 2. Lượng bón này tuỳ theo độ sai quả và loại đất (nếu là đất cát thì bón nhiều hơn) mức trung bình mỗi lần bón 0,1-0,2 kg/10m2 tán. Cách bón: rải đều kali vào trong bóng tán cây rồi bơm nước khắp bề mặt cho tan phân và ngấm ẩm.
Riêng đối với những cây sai quả, hoặc cây già, cằn yếu có thể bón tăng cường thêm 1 đợt phân nữa vào khoảng 10-20/5 (trước khi thu quả khoảng 15 ngày). Lượng phân bón dùng thêm 0,15 kg urê + 0,1-0,2 kg kali/10m2 tán, bón theo cách rải đều kali vào trong bóng tán cây rồi bơm nước tưới ẩm.
Vào thời điểm giữa tháng 5 thông thường sẽ xuất hiện 1 lứa sâu đục cuống quả vải, vì vậy nhà vườn cần chủ động phun phòng bằng các loại thuốc đặc hiệu nhanh phân huỷ như: Rengent; Sherpa liều lượng theo hướng dẫn ở vỏ bao bì.
8. Giai đoạn từ 25/5 - 15/6
Đây là thời kỳ vải chín, quả chuyển dần từ hồng sang chín đỏ và phẳng các gai. Chủ vườn chỉ nên thu hoạch khi quả vải đã chín đỏ hoặc chín trắng (có vỏ rất mỏng, mặt trong vỏ xuất hiện các chấm hồng) vì lúc này quả vải đạt độ đường lớn nhất, có trọng lượng cao nhất mẫu mã đẹp.
>> Lợi Ích Rất Tốt Của Vải Thiều
>> Vải Thiều Lựu Ngạn Bắc Giang
>> Lợi Ích Rất Tốt Của Vải Thiều
>> Vải Thiều Lựu Ngạn Bắc Giang